Bùng Nổ Nhượng Quyền Thương Hiệu

Thực Phẩm Và Đồ Uống Vẫn Là Hai Lĩnh Vực “Hot” Nhất


Số lượng dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, tăng trưởng GDP khả quan cùng với sự tăng lên của tầng lớp trung lưu khiến Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn cho các thương hiệu nước ngoài đăng ký nhượng quyền thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống.

Cuối tháng 04 vừa qua, Little Caesars, chuỗi Pizza lớn thứ 3 ở Mỹ với hơn 5.000 nhà hàng trên 18 quốc gia, cũng là chuỗi nhà hàng Pizza mang đi lớn nhất Thế giới đã chính thức tìm đối tác để nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam. Phó Chủ tịch Phát triển Quốc tế của Little Caesars, Ông Bill Schreiber đã tỏ ra rất lạc quan về triển vọng của thị trường Việt Nam với dân số hơn 90 triệu người và dân số trẻ chiếm số lượng lớn với hơn 60% dân số dưới độ tuổi 30. “Ở tất cả các quốc gia nơi chúng tôi có mặt, những người tiêu dùng trẻ dưới 30 tuổi có chỉ số sử dụng sản phẩm của chúng tôi khá cao. Chúng tôi hy vọng điều tương tự sẽ diễn ra ở Việt Nam,” Ông Bill Schreiber chia sẻ.

Little-Caesars

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam rất khả quan cùng với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người cũng tăng nhanh khiến các thương hiệu lớn từ nước ngoài như KFC, Lotteria, McDonalds, Pizza Hut, Domino's, Burger King, Starbucks, Baskin Robbins đã tìm đến Việt Nam để nhượng quyền thương mại. “Chúng tôi cho rằng đây là thời điểm lý tưởng để gia nhập vào thị trường này,” Ông Bill Schreiber nói thêm.

Theo Ông Sean T. Ngo, Tổng Giám đốc công ty VF Franchise Consulting, công ty chuyên tư vấn, điều hành và nhượng quyền thương mại hoạt động trên toàn châu Á có văn phòng tại Singapore, Thái Lan và Việt Nam, với hơn 95 triệu người, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh trên Thế giới. Các nhà nhượng quyền đã nhận thấy được những cơ hội đáng kể trong chi tiêu của người tiêu dùng ở Việt Nam đặc biệt trong ngành thực phẩm và đồ uống. Từ năm 1990, khi nhượng quyền thương hiệu bắt đầu nổi lên với các thương hiệu như KFC, Lotteria, và Jollibee, số lượng thương hiệu đăng ký ở Việt Nam đã tăng lên 145.

Trong khi một số thương hiệu đang quan sát và tìm hiểu thị trường, nhiều thương hiệu khác lại rốt ráo lên kế hoạch mở rộng chuỗi của mình như McDonalds và Starbucks. Ngày 05/05 vừa qua, Starbucks chính thức khai trương cửa hàng Starbucks Reserve TM đầu tiên theo phong cách mới tại tòa Asia Tower, số 06 Nhà thờ, Hà Nội. Starbucks gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2013 và không ngừng phát triển với 28 cửa hàng tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Tháng 05 năm ngoái, McDonald’s Việt Nam đã khai trương nhà hàng thứ 09 chỉ sau hơn hai năm có mặt tại thị trường Việt Nam. Nhà hàng đầu tiên của McDonald’s Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ tháng 02/2014. Đến nay toàn bộ 9 nhà hàng McDonald hoạt động với những quy mô khác nhau tại khu vực Quận 1, Quận 6, Quận 7, Quận Gò Vấp, Quận 10 và Quận 2, TP.HCM.

Grimaldi’s New York Pizzeria, một thương hiệu Pizza 120 tuổi có trụ sở đặt tại Scottsdale, bang Arizona, Mỹ cũng đang nhắm vào thị trường Việt Nam. Theo người trong cuộc, ngành công nghiệp bánh Pizza là một trong những ngành có cơ hội tăng trưởng lớn nhất trên toàn cầu. Nhà phân tích nghiên cứu thị trường của Technavio dự đoán thị trường Pizza toàn cầu sẽ tăng trưởng bình quân khoảng 3% vào năm 2020. Các chuyên gia cũng nhận định, tăng trưởng ở châu Á trong ngành này sẽ cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu do dân số trẻ hơn và tỷ lệ tiêu thụ Pizza cao hơn. Như tại Việt Nam, các thương hiệu như Pizza Hut hay Domino’s Pizza đã chứng kiến sự phát triển nhanh tại thị trường. Xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2007, Pizza Hut hiện có khoảng 50 cửa hàng phủ khắp cả nước trong khi Domino’s Pizza có hơn 20 cửa hàng từ khi bắt đầu vào thị trường vào năm 2010.

Trong khi đó, ở lĩnh vực đồ uống, Presotea, thương hiệu đang có hơn 360 cửa tiệm ở Đài Loan, Indonesia, Úc, Canada và Trung Quốc cũng đang tìm kiếm cơ hội mở rộng sự hiện diện của mình tại Việt Nam. Theo đại diện của Presotea, trong xã hội hiện đại với nhịp sống nhanh như ngày nay, nhiều người sẽ quan tâm đến việc ăn uống như thế nào và rất để tâm đến chất lượng của các sản phẩm. “Chúng tôi đã thực hiện một quy trình khép kín từ việc trồng đến sản xuất và pha chế trà. Chúng tôi cũng là một đơn vị nghiên cứu độc lập về trà vì vậy chúng tôi tự tin có thể đưa đến sản phẩm trà tốt nhất. Bên cạnh đó, để đáp ứng được khẩu vị khác nhau của các khách hàng ở mỗi quốc gia, chúng tôi có một đội ngũ phát triển và nghiên cứu để có thể tạo ra được các vị trà đã qua pha chế khác nhau, từ đó đáp ứng được đúng nhu cầu của khách hàng,” Ông Jackson Kah, quản lý chuỗi hệ thống trà Presotea toàn cầu chia sẻ.

Presotea

Theo Ông Sean T. Ngo, sự thành công của các thương hiệu nhượng quyền thương mại dựa trên sự khác biệt về sản phẩm của họ so với các đối thủ cạnh tranh trong nước. Thương hiệu hoạt động trên phạm vi quốc tế cũng được chứng minh là có cơ hội hoạt động tốt tại các thị trường địa phương. “Khi các nhà nhượng quyền tiếp tục nâng cao kiến thức và xây dựng năng lực, chúng ta sẽ tiếp tục thấy sự tăng trưởng trong lĩnh vực này. Với tình hình kinh tế thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng đối với các thương hiệu quốc tế nổi tiếng ngày càng tăng, và sự nhạy bén của các nhà đầu tư trong kinh doanh, sẽ không đáng ngạc nhiên khi thấy sự bùng nổ của hoạt động nhượng quyền thương mại của Việt Nam giống như tại Philippines, đất nước đã có hơn 1.500 thương hiệu đăng ký nhượng quyền thương mại,” Ông Sean T. Ngo khẳng định.

Theo Vietnam Economic Times - Hoàng An

Xem thêm các thương hiệu nhượng quyền trà sữa nước ngoài.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Master Franchise - Thuật Ngữ Marketing

Doanh Nghiệp Hàn Quốc Nhượng Quyền Thương Hiệu Tại Việt Nam

Chuỗi Cửa Hàng Tiện Lợi Đáng Sợ Nhất Thế Giới